Hoàn thuế giá trị gia tăng

Hỏi: Xin cho biết điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp?

Trả lời:

Văn phòng Luật 68 cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Luật thuế giá trị gia tăng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay Luật được sửa đổi, bổ sung nhiều lần:
- bởi Luật số 31/2013/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 (lần 2)
- bởi Luật số 71/2014/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (lần 3)
- bởi Luật số 106/2016/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 (lần 4)

Theo quy định của Luật được sửa đổi, bổ sung lần 4, ta có 07 nhóm trường hợp hoàn thuế:
1. Cơ sở kinh doanh có dự án
2. Cơ sở kinh doanh có xuất khẩu
3. Cơ sở kinh doanh khi chuyển đổi
4. Người nước ngoài, Việt kiều khi xuất cảnh
5. Chương trình, dự án ODA không hoàn lại
6. Đối tượng ưu đãi miễn trừ ngoại giao
7. Theo quyết định, theo điều ước quốc tế

Đối với doanh nghiệp, hoàn thuế thường gặp ở các trường hợp 1, 2 & 3. Chi tiết như sau:

LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (lần 4)
Điều 13. Các trường hợp hoàn thuế
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
a) Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
b) Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.
3. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi theo Nghị định số 146/2017/NĐ-CP)
Điều 10. Hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
2. Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế đối với dự án đầu tư như sau:
a) Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này. Trường hợp, nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì cơ quan thuế có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để quyết định việc hoàn thuế giá trị gia tăng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà để bán) tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính, sau khi bù trừ nếu số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng cho dự án đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này. Cơ sở kinh doanh phải kê khai, lập hồ sơ hoàn thuế riêng đối với dự án đầu tư.
c) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hoặc chưa đáp ứng được điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng trong quá trình hoạt động cơ sở kinh doanh bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bị thu hồi văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hoặc trong quá trình hoạt động cơ sở kinh doanh không đáp ứng được điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thời điểm không hoàn thuế giá trị gia tăng được tính từ thời điểm cơ sở kinh doanh bị thu hồi một trong các loại giấy tờ nêu trên hoặc từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh không đáp ứng được các điều kiện về đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Việc xác định tài nguyên, khoáng sản; trị giá tài nguyên, khoáng sản và thời điểm xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Nghị định này.
3. Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Việc kê khai, tính nộp thuế trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản của dự án đầu tư hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(Luật không giao Chính phủ quy định chi tiết đối với khoản 3, khoản 4 Điều này)


Một số lưu ý chung trong hoàn thuế

Luật quản lý thuế được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2007, đã được sửa đổi, bổ sung theo các:
•  Luật số 21/2012/QH13, có hiệu lực từ 01/07/2013 (lần 2)
•  Luật số 71/2014/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2015 (lần 3)
•  Luật số 106/2016/QH13, có hiệu lực từ 01/07/2016 (lần 4)

LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (lần 4)
Điều 57. Các trường hợp thuộc diện hoàn thuế
Cơ quan quản lý thuế thực hiện hoàn thuế đối với các trường hợp sau đây:
1. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng;
2. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
3. Cá nhân thuộc diện được hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc diện được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
5. Tổ chức, cá nhân nộp các loại thuế khác có số tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế phải nộp.
Điều 58. Hồ sơ hoàn thuế
1. Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:
a) Văn bản yêu cầu hoàn thuế;
b) Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.
2. Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.
Điều 59. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế
1. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức quản lý thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan quản lý thuế.
3. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ hoàn thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
4. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa đầy đủ, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.
Điều 60. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế
1. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được quy định như sau:
a) Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
b) Các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau:
- Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ trường hợp đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn hai năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế;
- Hàng hóa, dịch vụ không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
- Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế; hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là sáu ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế theo đề nghị của người nộp thuế; trường hợp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.
3. Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau được quy định như sau:
a) Việc kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với các trường hợp sau đây:
- Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu;
- Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ;
- Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở lên trong vòng mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước;
- Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước;
b) Đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn mười năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
4. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì chậm nhất là bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế lý do không hoàn thuế.
5. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này, nếu việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định trên:
—  Trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng (07 nhóm trường hợp).
—  Ngoài ra, thông tư hướng dẫn phải có con dấu, sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định, có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
—  Thời hạn quyết định về việc hoàn thuế: 6 ngày làm việc (hoàn trước) hoặc 40 ngày (kiểm trước).
—  Quá thời hạn trên, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi: 9%/năm.

Trường hợp cụ thể

I. HOÀN THUẾ DỰ ÁN
1. Điều kiện
-   Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế;
-   Có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư;
-   Có số thuế giá trị gia tăng của HHDV mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng.
2. Hồ sơ
-   Mẫu số 01/ĐNHT
-   Mẫu số 01-1/ĐNHT
-   Mẫu số 01-4/ĐNHT (nếu có)

II. HOÀN THUẾ XUẤT KHẨU
1. Điều kiện
-   Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có HHDV xuất khẩu;
-   Có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng.
-   Ngoài ra, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Điều 19.1 hướng dẫn phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
2. Hồ sơ
-   Mẫu số 01/ĐNHT
-   Mẫu số 01-1/ĐNHT
-   Mẫu số 01-4/ĐNHT (nếu có)

III. HOÀN THUẾ DO TÁI CẤU TRÚC
1. Điều kiện
-   Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế;
-   Khi tái cấu trúc: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
-   Kiểm trước đối với chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu (không có: chuyển đổi doanh nghiệp (chuyển đổi giữa các loại hình công ty TNHH, công ty TNHH thành công ty cổ phần và ngược lại)).
2. Hồ sơ
-   Mẫu số 01/ĐNHT
-   Mẫu số 01-1/ĐNHT
-   Mẫu số 01-4/ĐNHT (nếu có)
-   Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu
-   Hồ sơ quyết toán thuế hoặc hồ sơ khai thuế đến thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu
3. Lưu ý:
-   Hóa đơn hợp pháp (đối với HHDV mua vào có giá trị từ hai mươi triệu đồng cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt)
-   HHDV mua vào phải là HHDV dùng cho SXKD HHDV chịu thuế GTGT
VD 1: Công ty TNHH tư vấn du học A không kinh doanh mỹ phẩm nhưng mua vào mỹ phẩm. Vì mỹ phẩm này không dùng cho SXKD nên thuế GTGT đầu vào của mỹ phẩm không được khấu trừ.
VD 2: Công ty cổ phần B kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh và mua vào máy vi tính dùng cho KD DV KCB. Vì máy vi tính này dùng cho KD DV KCB nhưng vì DV KCB là dịch vụ y tế thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của máy vi tính không được khấu trừ.

(Tham khảo Thông tư số 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung 14 lần theo văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BTC năm 2017))

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ vanphong@luat68.com

Luật 68