Hỏi:
Có thể sử dụng căn hộ chung cư làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp?
Trả lời:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp còn có thể có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Từ quy định trên của luật, ta có thể thấy trụ sở chính của doanh nghiệp có thể là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc cũng có thể không là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh mà chỉ là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp. Nói một cách khác, trụ sở chính của doanh nghiệp không có nghĩa là địa điểm kinh doanh.
Theo quy định của Luật nhà ở có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Theo quy định tại khoản 7 Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở về xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở thì: "Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác trong thời hạn quy định tại Khoản này; quá thời hạn quy định tại Khoản này thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư."
Có thể thấy rằng:
1. Trường hợp đăng ký doanh nghiệp lấy địa chỉ căn hộ chung cư làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, theo Luật nhà ở thì nghiêm cấm cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, tuy nhiên điều luật này hiện có cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất cho rằng khái niệm ở chỉ là ở, những nhu cầu cơ bản khác: ăn uống, sinh hoạt, tiếp khách, liên lạc, thư tín là điều bị cấm (tức chỉ là ở). Cách hiểu này không phù hợp. Cách hiểu thứ hai cho rằng khái niệm ở bao gồm những nhu cầu cơ bản khác bao gồm liên lạc, thư tín, theo Luật doanh nghiệp thì trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp, như vậy có thể sử dụng căn hộ chung cư làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp với mục đích để liên lạc.
2. Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có địa điểm kinh doanh là căn hộ chung cư thì doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư theo quy định của Nghị định. Trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện là căn hộ chung cư nhưng không phải là địa điểm kinh doanh thì không phải chuyển theo quy định của Nghị định.
Ngoài ra,
Theo quy định tại Điều 472 của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13: "Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật nhà ở số 65/2014/QH13: "1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân."
Như vậy, hợp đồng thuê nhà bao gồm hợp đồng thuê nhà ở và hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác. Trường hợp hợp đồng thuê nhà nhưng không phải hợp đồng thuê nhà ở (mà là hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác như để sử dụng làm địa điểm văn phòng) thì tài sản không phải là nhà ở, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nhà ở.