Hỏi:
Cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra kế toán?
Trả lời:
Kiểm tra kế toán là việc xem xét, đánh giá tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.
Luật qua các năm quy định về kiểm tra kế toán như sau:
LUẬT KẾ TOÁN NĂM 2003
Điều 35. Kiểm tra kế toán
Đơn vị kế toán phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền và không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm. Việc kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
NGHỊ ĐỊNH SỐ 129/2004/NĐ-CP
Điều 24. Cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán
Căn cứ Điều 35 của Luật kế toán, cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán được quy định như sau:
1. Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán tại địa phương do mình quản lý.
3. Đơn vị kế toán cấp trên, trong đó có Tổng công ty nhà nước quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trực thuộc.
Điều 25. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán
Căn cứ Điều 35 của Luật kế toán, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán được quy định như sau:
1. Các cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán quy định tại Điều 24 của Nghị định này đồng thời có thẩm quyền kiểm tra kế toán.
2. Cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các đơn vị kế toán có quyền kiểm tra kế toán.
LUẬT KẾ TOÁN NĂM 2015
Điều 34. Kiểm tra kế toán
1. Đơn vị kế toán phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền. Việc kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trừ các cơ quan quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
2. Các cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán gồm:
a) Bộ Tài chính;
b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán tại địa phương do mình quản lý;
d) Đơn vị cấp trên quyết định kiểm tra kế toán đơn vị trực thuộc.
3. Các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán gồm:
a) Các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đơn vị kế toán.
Qua so sánh quy định của luật qua các năm, ta có thể thấy:
− Thẩm quyền bao gồm: thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán và thẩm quyền kiểm tra kế toán. Luật 2003 không quy định trực tiếp cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra, mà quy định ở nghị định, nhưng luật 2003 quy định kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Luật 2015 quy định trực tiếp tại luật cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra và có quy định kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trừ cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
− Về nguyên tắc thì thẩm quyền quyết định kiểm tra là tiền đề để thực hiện thẩm quyền kiểm tra Luật 2015 quy định trực tiếp tại luật cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra là một bước tiến bộ trong hoạt động lập pháp tuy nhiên luật lại thêm vào một đoạn vế sau mà được giới chuyên môn đánh giá là tối nghĩa hoặc có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành. Cụ thể như sau:
− Cách hiểu thứ nhất: Vế sau không xác định được về nghĩa, vì thế không phát sinh thêm trách nhiệm pháp lý. Theo cách hiểu này, chỉ có các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật kế toán (Bộ Tài chính, bộ khác kiểm tra kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền kiểm tra kế toán. Cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế không có thẩm quyền kiểm tra kế toán khi không có quyết định của cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật nêu trên.
− Cách hiểu thứ hai: Vế sau với ý hiểu là đối với cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì có thẩm quyền kiểm tra kế toán mà không phải có quyết định kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán. Trong trường hợp này, căn cứ cho việc kiểm tra kế toán dựa trên căn cứ cho việc kiểm tra lĩnh vực khác (ví dụ: cơ quan thuế thực hiện kiểm tra kế toán trong khi thực hiện kiểm tra thuế theo quy định của Luật quản lý thuế).