Hỏi:
Tôi đang kinh doanh theo hộ gia đình. Tôi được nhiều người khuyên nên chuyển thành doanh nghiệp. Xin cho biết khi nào nên chuyển thành doanh nghiệp?
Trả lời:
1. Về quy mô
Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, Điều 66: "Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh."
Như vậy, hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động. Trường hợp mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều địa điểm, hoặc sử dụng lao động từ mười người trở lên thì thích hợp để chuyển sang loại hình doanh nghiệp.
2. Về chính sách thuế
Theo quy định của pháp luật về thuế đối với hộ kinh doanh là nộp thuế theo phương pháp khoán, tức lãi hay lỗ cũng phải nộp thuế (khác với doanh nghiệp khi kinh doanh lỗ thì không phải nộp thuế).
Hộ kinh doanh không được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế (mà phải áp dụng một phương pháp duy nhất là phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng), không được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Theo đó, trường hợp đơn vị muốn tối ưu chi phí về thuế cũng như muốn có hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT hay hóa đơn 'đỏ') giao cho khách hàng thì thích hợp để chuyển sang loại hình doanh nghiệp.
3. Về tư cách pháp nhân
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, đồng nghĩa với việc không tách biệt tài sản của cá nhân với tài sản của hộ kinh doanh, cá nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh (trách nhiệm vô hạn), và hộ kinh doanh không thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tư cách pháp nhân là một đặc điểm phân biệt trong lựa chọn giữa hộ kinh doanh hay công ty (doanh nghiệp).
4. Việc chuyển từ loại hình hộ kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp đồng thời với việc chấp hành một số quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư, tổ chức bộ máy kế toán, tuân thủ chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, thực hiện kê khai thuế định kỳ và đáp ứng các quy định về lao động, bảo hiểm xã hội v.v...
Doanh nghiệp là một công cụ kinh doanh hữu hiệu. So sánh doanh nghiệp và hộ kinh doanh thì doanh nghiệp được trang bị nhiều công cụ mạnh nhưng đồng thời yêu cầu tuân thủ cao hơn.