Sang nhượng công ty là cách gọi không chính thức của việc thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm thay đổi thông tin sở hữu thông qua chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, cổ phần.
1. Thực trạng doanh nghiệp muốn rút khỏi thị trường và 04 lựa chọn
Rút khỏi thị trường là một hoạt động bình thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định rút khỏi thị trường, như do chi phí tuân thủ lớn hơn doanh thu đặt doanh nghiệp trước bài toán tối ưu, hoặc do chủ sở hữu muốn chấm dứt trách nhiệm của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp, hoặc do mâu thuẫn giữa các chủ sở hữu trong doanh nghiệp, hoặc do chỉ đơn giản là chủ sở hữu muốn khép lại một doanh nghiệp cụ thể trong khi vẫn duy trì hoặc mở ra doanh nghiệp khác v.v...
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc rút khỏi thị trường là một vấn đề đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được tạm ngừng kinh doanh không quá một năm và tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không quá hai năm, nếu muốn rút khỏi thị trường thực sự thì không thể thông báo tạm ngừng kinh doanh liên tiếp được mà phải tiến hành giải thể, phá sản, trong khi trình tự, thủ tục giải thể, phá sản theo quy định hiện hành còn tồn tại bất cập, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
1.1. Giải thể
Giải thể là việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chấm dứt hoạt động trong điều kiện bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp giải thể.
Doanh nghiệp chỉ được giải thể trong điều kiện bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, nếu không bảo đảm điều kiện này thì không được chấm dứt hoạt động theo hình thức giải thể mà phải thực hiện theo thủ tục phá sản.
1.2. Phá sản
Phá sản là việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chấm dứt hoạt động trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Hậu quả của việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là người giữ chức vụ quản lý (chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc) có thể không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án có quyết định tuyên bố phá sản.
1.3. Không thực hiện các thủ tục pháp lý
Không thực hiện các thủ tục tạm ngừng, giải thể hoặc phá sản khi doanh nghiệp trên thực tế không còn hoạt động là điều thường thấy ở các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thủ tục pháp lý cho việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chấm dứt hoạt động trên thực tế còn phức tạp, mang nặng hình thức, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến thực trạng chủ sở hữu không thực hiện các thủ tục pháp lý mà phó mặc số phận pháp lý của doanh nghiệp, coi "im lặng là vàng".
Điều cần lưu ý là dù doanh nghiệp không thực hiện các thủ tục pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc tạm ngừng, giải thể hoặc phá sản thì doanh nghiệp vẫn có thể bị cập nhật tình trạng giải thể (do ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo thuộc trường hợp bị thu hồi GCN ĐKDN) hoặc bị tuyên bố phá sản (do có đơn yêu cầu của chủ nợ), tuy nhiên việc này thường phải kéo dài nhiều năm và trong quãng thời gian đó thì doanh nghiệp được coi là vẫn hoạt động và phải thực hiện các nghĩa vụ bao gồm kê khai thuế, nộp thuế và báo cáo tài chính v.v...
1.4. Thay đổi thông tin sở hữu — Sang nhượng
Thay vì giải thể, phá sản mà vẫn bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để chủ sở hữu chấm dứt trách nhiệm của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp, rút khỏi thị trường trong khi không cần chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp là thực hiện thay đổi thông tin sở hữu, bao gồm thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân, thay đổi thành viên công ty hợp danh, thay đổi thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thay đổi cổ đông công ty cổ phần.
(Chủ sở hữu đối với các loại hình doanh nghiệp)
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Thay đổi thông tin sở hữu doanh nghiệp tư nhân là thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân. Việc thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua mua bán, tặng cho doanh nghiệp.
Đối với công ty (công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần), không có khái niệm mua bán, tặng cho công ty. Việc thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH, công ty cổ phần được thực hiện thông qua chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, cổ phần của thành viên, cổ đông tức chủ sở hữu công ty cho người khác để họ trở thành chủ sở hữu mới. Chủ sở hữu mới thực hiện các quyền từ thời điểm thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên/cổ đông và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty.
Người đại diện theo pháp luật (NĐDTPL) của công ty là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, đại diện cho công ty với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, nhưng không chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty (trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu). NĐDTPL thường giữ chức vụ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, do chủ sở hữu thuê để điều hành hoạt động hằng ngày của công ty.
2. Hoạt động hỗ trợ thay đổi thông tin sở hữu công ty (sang nhượng công ty)
Luật 68 đang triển khai hoạt động hỗ trợ sang nhượng công ty, áp dụng đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần. Với chức năng trung gian và đầu mối, Luật 68 hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin pháp lý về chủ sở hữu công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng để trở thành chủ sở hữu mới (tiếp nhận quyền và trách nhiệm).
Luật 68 tạm thời phân việc thay đổi thông tin theo ba mức:
– Mức A: Thay đổi chủ sở hữu.
– Mức B: Thay đổi chủ sở hữu, NĐDTPL và một số thông tin của doanh nghiệp trên GCN ĐKDN.
– Mức C: Thay đổi chủ sở hữu, NĐDTPL cùng toàn bộ thông tin của doanh nghiệp trong CSDLQG về ĐKDN.
Hoạt động này áp dụng tại Hà Nội và hoàn toàn miễn phí.